Trong một video của Chris Lonsdale trên Tedx Talks (https://www.youtube.com/watch?v=d0yGdNEWdn0&t=242s ), ông chia sẻ về việc "Làm thế nào để học bất cứ một ngôn ngữ nào trong vòng 6 tháng", gồm có 5 quy tắc và 7 hành động. Một trong bảy hành động ông đưa ra là tìm lấy cho mình một người cha/mẹ nói ngôn ngữ đó. Đó là một cách giúp chúng ta học như một đứa trẻ. Bạn và người đó hoàn toàn thoải mái với nhau khi giao tiếp trong ngôn ngữ đó cho dù ban đầu bạn chưa nói được mấy từ hay câu hoàn chỉnh và chính xác. Bạn có nhớ bạn đã học nói như thế nào không? Mình thì chẳng còn nhớ gì nữa nhưng chúng ta hãy quan sát những đứa trẻ và cha hoặc mẹ của chúng giao tiếp với nhau, bạn sẽ hiểu điều đó. Hoặc bạn đã có con và dạy con mình nói thì bạn hoàn toàn biết quá trình đó diễn ra thế nào. Khi nói, những đứa bé dùng từ rất đơn giản, những câu ngắn và đơn giản, đôi khi nó rất lạ và thường chúng phát âm cũng lạ luôn. Chính thế mà cha mẹ thường đóng vai trò là thông dịch viên khi đứa trẻ bắt đầu nói mà có người ngoài ở xung quanh. Cha mẹ cũng sử dụng những từ rất đơn giản và ngôn ngữ cơ thể nhiều để đứa bé hiểu ý của mình. Đứa bé thì hoàn toàn thoải mái và tự tin khi nói. Mình có một cháu năm nay 3 tuổi rưỡi, trước đó nó nói rất khó hiểu và chỉ một vài từ. Đôi khi những từ đó còn không hề gắn kết gì với nhau để tạo ra nghĩa. Nhưng điều đó thú vị, chúng ta bắt đầu nói và đứa bé nghe, học theo. Thỉnh thoảng nó thích thú từ nào đó thì sẽ lặp lại, điều đó hoàn toàn làm ta thấy vui thích. Những đứa trẻ thì chỉ nói những thứ chúng thích và khi nào chúng thích. Người lớn thì không như vậy, chúng ta học theo sách vở, nói những thứ có sẵn, đôi khi như một cái máy lặp lại và chẳng hề hứng thú với những thứ chúng ta đang nói. Một điểm bất lợi nữa là chúng ta học kèm theo quá nhiều cảm xúc và suy nghĩ về sự đúng sai và đôi khi để ý quá nhiều đến suy nghĩ của người ngoài.
Nếu bạn tìm được một người như vậy hãy thử phương pháp này cho việc học giao tiếp. Lấy một ví dụ thực tế, ở nhà thỉnh thoảng mình sẽ nói Tiếng Anh với anh mình. Dù không phải lúc nào anh mình cũng có hứng nói Tiếng Anh. Nhưng có những dịp để anh mình và mình cùng nói với nhau bằng Tiếng Anh. Anh mình đôi khi khởi động lại chương trình học Tiếng Anh tại nhà sau một quãng thời gian bỏ bê dài vô tận nhưng thường chẳng kéo dài bao lâu để rồi trở về gần với mức ban đầu. Khi mình bắt đầu nói Tiếng Anh với anh mình thì anh mình chỉ nói những từ, câu đơn giản và ngắn như What? Why?, good, You are crazy. I don't understand... phát âm thì khá là Vietlish. Khi nào anh mình nói mà chưa nghĩ ra từ hay không biết từ Tiếng Anh nào thì sẽ dùng từ Tiếng Việt thay vào và cũng không quan tâm đến ngữ pháp, nên có những khi câu nói sẽ trộn lẫn như: Can you take me phích nước?, I am understand... Mình sẽ sửa lỗi và giải thích lý do sai (cả phát âm và ngữ pháp). Khi mình nói nhưng anh mình không hiểu thì mình sẽ sử dụng những từ khác và câu đơn giản hơn để anh mình hiểu. Và việc này cũng khiến mình phải thường xuyên xem lại từ điển để phát âm cho đúng. Hiện tại, mình thấy anh mình có tiến bộ trong việc phát âm, ngữ pháp và cũng nói được nhiều câu dài hơn.
Còn nếu bạn chưa hoặc không tìm được một người như vậy, thì hãy học kết hợp giữa sách vở và thử là đứa trẻ tập nói khi bạn cảm thấy thoải mái với những người xung quanh hoặc khi mà bạn muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét